Tuesday, December 11, 2012

Về với Tết từ nghìn trùng!


 

Sau hai năm “nhịn” Tết, tôi đã thu xếp để được về Việt Nam đón năm mới “xịn”- Tết cổ truyền 2012. Không phải chỉ vì nhớ Tết, mà thiết thực hơn, cả năm chẳng có thời điểm nào để lòng người thảnh thơi, vui chơi hàng tuần, có khi cả tháng như mừng năm mới ở quê hương mình! Về chơi lúc này, muốn gặp ai cũng dễ, muốn chơi lâu cũng không ngại, và còn vì, như Phan Thị Vàng Anh từng viết trong truyện ngắn “Mười ngày”: trong những giờ cuối cùng này của năm cũ, người ta “người” nhất.

Đừng đi

Không hiểu sao suốt chuyến bay 12 tiếng đồng hồ từ Paris về Hà Nội hôm ấy, tôi cứ quyến luyến mãi nhóm diễn viên chèo. Một nhóm độ 5 cô, ai cũng tóc dài chẻ ngôi giữa, mỏng mày hay hạt, hàm răng trắng đều tăm tắp, làn môi cắn chỉ, giọng thanh mà vang. Lâu rồi không gặp vẻ đẹp chân chất ấy ở châu Âu hoa lệ. “Chúng em đi diễn phục vụ bà con Việt kiều về”, các cô khoe rồi thay nhau ẵm bế con cho tôi. Một cô còn lôi ra đôi giày da nhỏ xinh, mắt sáng long lanh “Tiền thù lao em dồn cả mua đôi giày về cho con gái. Đi châu Âu thích nhất là mua giày, đắt nhưng xịn, bền”. Ừ, tiền thù lao của mẹ sẽ sưởi ấm đôi chân con trong giá lạnh những ngày Tết này.

Về với Tết, biết bao gương mặt người Việt đáp cùng chuyến bay với tôi bừng lên thông điệp ấy, dù chẳng nói thành lời. Đời là thế, đi xa mới nhớ, mất rồi mới tiếc! Cô tiếp viên áo dài màu mận tím bê cho tôi khẩu phần thức ăn, lại kèm thêm suất cho cháu nhỏ, hai hộp sữa trộn bột ngũ cốc, gói bánh bích quy, một hũ sữa chua và một hộp đồ chơi xếp hình xinh xinh bằng gỗ “made in Vietnam”. Chỉ Tết mới có quà như thế này cho trẻ trên chuyến bay? Ừ, thời điểm sắp sang năm mới, lòng ai cũng hân hoan, những cử chỉ yêu thương quan tâm cũng nồng nàn chân thật hơn. Thật dễ để nhớ, thật khó mà quên.

 Bây giờ rất nhiều bạn bè than thở trên facebook về nỗi ngại Tết, nào phải xếp hàng mua giò chả, bánh chưng, rồi vất vả muối dưa muối hành, trời rét mưa dầm còn lướt thướt lên Nhật Tân khiêng đào và quất cảnh... Hồi còn ở trong nước, đọc những dòng status này của bè bạn, hẳn tôi hùa theo ngay. Nhưng giờ này tôi đang về với Tết từ hơn mười nghìn ki- lô- mét, trái tim tôi thổn thức khi nghe bạn liệt kê hàng trăm việc phải làm trước ba ngày Tết như thế. Tôi mong mình về, bạn đừng lên đường, bạn nhé. Kể ra ích kỷ thật, nhưng cảm xúc thật là vậy. Và tôi biết, bạn trút vào facebook thế thôi, chứ giờ này bạn chẳng đang hùng hục ngâm trám, xếp bưởi Diễn vào gầm giường và hóng trời đẹp để đi Tây Tựu mua cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng... cho mà xem!

Và đừng hết

Lên Hà Nội dễ đến gần 20 năm rồi, nhưng nhà tôi năm nào cũng giữ tục lệ đón Tết ở quê. Tết mà không gói bánh chưng, coi như mất nửa cái Tết. Chiều lòng tôi ở xa về, mẹ lại đi đong gạo nếp cái hoa vàng, mua đỗ mỡ, thịt thăn, nhờ chị Tí săn tìm lá dong dày đẹp để gói bánh. Ba chị em kẻ rửa nồi, người kê bếp, người gói bánh, nhiều việc mà vui. Vừa gói bánh tôi vừa kêu ca “Tết năm ngoái, thèm bánh chưng quá con phải mua ở cửa hàng của người Việt tại Brussels, bánh nhỏ xíu mà lại gạo, mặn nhân”. Mẹ tôi đặt phịch những thanh gộc tre xuống, tự hào “Bánh chưng đun bếp điện sao dền dẻo và để được lâu như bánh chưng luộc bằng củi gộc tre cháy đượm này. Nhìn xem, khúc củi nào cũng chắc như khúc giò”. Cô Bé hàng xóm biết tôi về, thèm rau cần, tờ mờ sáng bê sang cho mấy mớ rau vừa nhổ, rễ còn rỉ nước “Ngày Tết ăn nhiều món ngấy ngá, nấu rau cần này với khoai tây mới dỡ, ngon tỉnh người”. Ba tháng sau, chị cả gửi email bảo cô Bé mất rồi, người yếu, bệnh ủ lâu không được chữa trị chu đáo (tiền đâu mà chữa, cô từng bảo thế), đi nhanh lắm. Không về với Tết, hẳn không bao giờ gặp cô, lần cuối, như thế.

Bà mất, bố mất và ông nội cũng vừa mất đầu năm rồi, Tết năm nay chị cả đảm nhiệm khâu lau rửa đồ cúng, sắp xếp mâm ngũ quả, bày mứt và liên tục nhang khói bàn thờ cho người xưa cùng về vui Tết, người sống lòng cũng đỡ quạnh hiu. “Ông mất đúng dịp rét nàng Bân em ạ, mưa gió não nề, lạnh cắt da cắt thịt”, chị bồi hồi trước ảnh ông, rồi lại quay sang ảnh bố “Em còn nhớ không, 8 năm rồi, hồi em đi Nhật công tác, cái Tết đầu tiên em xa nhà, một chị ở cơ quan gọi điện cho bố báo rằng em được chia một két bia ăn Tết. Bố mừng rỡ đạp xe đến lấy. Nhưng họ tra sổ, bảo em vẫn là chế độ hợp đồng ngắn hạn, chưa có bia đợt này. Bố về tay không, vẫn cười tươi. Nhưng chị thì chỉ muốn đi mua ngay một két bia mang về cho bố, lúc đó”. Hai năm sau, bố mất một tháng trước Tết cổ truyền. Tết đầu tiên không bố ấy cũng là năm đầu tiên tôi được hưởng chế độ một két bia. Bia đắng tê lưỡi, xót lòng!

Hồi ba chị em tôi còn nhỏ, mới chiều Mùng Hai Tết đã ngán ngẩm khi nghe mẹ reo “hết Tết, nhẹ cả người”. Bà mất, ông mất, anh cả mất, hai cô ở xa, chú đích thân chạy sang, ra nghị quyết giải tán bữa cơm sum họp đại gia đình Mùng Hai Tết, “lích kích phiền phức, đi lại mệt mỏi, bây giờ ăn uống quan trọng gì nữa đâu, chị cả nhé”. Mẹ không còn vất vả với Tết như ngày xưa, nhưng bây giờ không thấy mẹ reo “hết Tết” nữa, đã Mùng Năm rồi, nhanh thật!

Kiều Bích Hương

2 comments:

  1. Nhà cửa trang hoàng tươi tắn quá! Chị Hương phục bà nhất khoản này: Bận thế mà nó vẫn viết được, ra tấm ra món.

    ReplyDelete
    Replies
    1. cảm ơn người bạn quý ngoài đời và người khích lệ tôi trong sáng tác!

      Delete