Monday, December 3, 2012

Truyện ngắn "Hàng xóm"


Truyện ngắn

 Hàng xóm

 

 

Bà tôi quanh năm gắn bó xứ “bờ xôi ruộng mật”, dặn rằng Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Càng ở lâu thôn quê, tôi càng tin khi một đứa con trai ra đời, gia đình đó như vừa sắm thêm được loại vũ khí mới. Nhà tôi ở quê, vuông vắn hơn ba sào đất, đủ ao, chuồng và vườn trước vườn sau. Nhưng vũ khí nhà tôi hầu như chẳng có gì, chỉ toàn sách vở và ba đứa con gái. “Cuộc chạy đua vũ trang” của hàng xóm vây bủa tứ phía.

Nhiều đêm, tôi thức giấc vì trước nhà có tiếng gào thét. Mẹ cố ngủ còn tôi nhổm mông chuồn nhẹ ra ngoài, băng qua khoảng sân rộng, đến gần cái bể cạn đầy cát. Vừa ngồi xuống tôi chạm ngay cái gì mềm mềm, ấm ấm. Cái mông của bà. Bà đang ngồi trong bóng đêm, lắng nghe cuộc cãi nhau tay ba mẹ chồng- nàng dâu- và vũ khí hạng nặng- người đàn ông trụ cột của nhà hàng xóm phía trước. Tôi nép bên bà cùng nghe. Tiếng khóc át lời, nhưng tiếng quát to và rõ nhất là của đứa cháu đích tôn trong nhà “Bà im đi, mẹ im đi, bố im đi. Đêm rồi cho hàng xóm ngủ chứ, không biết nhục!”. Im, thế mới tài! Vũ khí tối tân có khác.

Vũ khí tối tân ấy không can thiệp cuộc cãi vã giữa bà cậu ta và bà tôi khi nhà cậu quyết định cắt bụi mây để xây lên bức tường gạch ngăn cách. Bà tôi chống gậy ra bờ rào, lời qua tiếng lại. Tôi sợ. Nhà mình có vũ khí nào đọ sức, ông đã mất còn bố công tác xa. Nhưng bà tôi chẳng bao giờ đôi co lâu, bà gẩy gẩy cái gậy vào đám lá mây vừa bị cắt nát, thủng thẳng “Chị Sáng ạ, chẳng qua cũng là chỗ chó ỉa thôi, có chết tôi với chị cũng chẳng ra đây nằm được”. Bà hàng xóm im, bức tường mới lấn sang nhà tôi ít đi một chút. Nhưng từ đó cửa sổ nhà ấy thường tuồn sang vườn nhà tôi hàng đống kim tiêm, lọ nước cất, lá bánh, vỏ kẹo. Bà chỉ cười, không cho chúng tôi bước vào, cũng chẳng muốn mẹ tôi hót dọn. Chẳng mấy chốc, đống rác thải ùn đến bệ cửa sổ, mùi hôi xộc vào chính nhà họ.

***

Bà mất, bố mất. Chị em chúng tôi rời quê lên thành phố. Mẹ về hưu, cũng lên thành phố. Nhưng mẹ cứ loanh quanh nhớ vườn. Một ngày, tôi còn ngủ nướng vì được nghỉ phép, mẹ lật chăn, ra lệnh “Chở mẹ về quê”. Trước đó mẹ nhận tin báo của người cháu họ trông giúp nhà ở quê “Hàng xóm phía sau xây nhà, thím về  ngay kẻo chúng  lấn đất”. Người ta lại xây tường ngay trên bờ dậu cũ, nước thải chuồng lợn chảy sang nhà tôi. Đám lá lốt xương sông xanh đen theo dòng chảy, muỗi mòng chấp chới cùng mùi hôi thối. Khoảng vườn sau u ám hoang dại. “Cháu ơi, mình ở quê sướng nhất là có vườn có dậu, cháu phá dậu xây tường nhà chòi sang cả đất nhà cô, thất sách quá. Sao không đào cái hầm ủ phân, vừa tưới rau bón lúa vừa đỡ ô nhiễm”. Anh hàng xóm tuổi ngoài ba mươi ngó sang, nụ cười đen nhẻm “Vườn bà rộng quá, cho cháu vẩy nhờ cái mái một tí. Nhà cháu đông anh em trai, đất chia tư, không còn chỗ làm chuồng ủ phân đâu ạ. Mà ủ cũng chẳng để làm gì, bán hết ruộng  đổi đời công nhân cả rồi. Hai thằng con cháu lớn lên cũng cho đi xuất khẩu lao động Nam Phi”.

Bảo mãi không được, tôi sốt ruột “Biết đâu chú có cách”. Chú tôi- đại tá về hưu ở cách đó mươi nhà. Chú vào, hai tay chống nạnh đi lại như một vị tướng dò trận địa. Nửa tiếng sau, chú oang oang gọi hàng xóm “Anh giải quyết đống phân lợn này ngay cho tôi. Chị dâu cả không ở đây thường xuyên, nhưng bàn thờ tổ tiên nhà tôi vẫn đây, hương khói là các cụ về. Ô uế thế này không được. Anh không làm hôm nay, mai tôi cho người đến đào đường hào công sự sát tường nhà anh, đào thật sâu, vừa làm hầm ủ phân cho nhà anh vừa xói thẳng móng tường nhà anh. Đất vườn nhà, tôi muốn làm gì thì làm”. Hôm sau nước thải không chảy sang nhà tôi nữa.

***

Cũng đến ngày tôi lấy chồng,  không ở Hà Nội, chẳng về quê. Tôi theo chồng sang Hà Lan. Nửa năm đầu vợ chồng thuê tạm căn nhà ở trung tâm thành phố. Cảnh sát thỉnh thoảng gõ cửa vì bà lão hàng xóm kêu ca chồng tôi sửa chữa máy móc, hàn xì gây ồn cả những ngày cuối tuần. Ngân hàng đồng ý cho vay tiền mua nhà, vợ chồng tâm đầu ý hợp, dứt khoát phải tìm cái nhà cách xa hàng xóm, không hàng xóm càng hay.

Thiên đường hiện ra sau bao ngày tìm kiếm. Một ngôi nhà be bé lưng chừng đồi trong khu công viên cây xanh lác đác vài gia đình sinh sống. Mùa xuân rực màu xanh non, mùa hè nắng lấp lánh tán lá, mùa thu bừng sắc đỏ vàng, mùa đông nhấp nhô sóng tuyết. Tuyệt hơn thế, hai khoảnh đất bên phải và bên trái nhà rộng hàng nghìn mét vuông chạy vút lên đỉnh đồi có đánh số, toàn cây xanh. Thỉnh thoảng lũ sóc phi qua phi lại ngó hạt dẻ, cả năm tuyệt không bóng người thăm nom.

Tôi mang thai, nhà trở nên chật chội. Phải cơi nới phòng nữa. Dự án vạch ra, bếp cũ cải tạo thành phòng ngủ, bếp mới sẽ xây áp hông nhà. Vợ chồng lên ủy ban xin phép. Nhân viên địa chính chém tay vào tập hồ sơ “Không xây thêm. Nguyên tắc nhà ở của anh chị phải cách đất hàng xóm năm mét để đảm bảo an toàn. Nên nhớ đây là khu công viên cây xanh”.

Lạ thật, giờ tôi và chồng lại khát khao tìm hiểu hàng xóm là ai. Liệu họ có bán thêm cho chúng tôi một miếng đất nhỏ đủ xây cái bếp mà khoảng cách đến hàng rào vẫn bảo đảm năm mét? Không ai trả lời được, ngoại trừ chính người bán nhà cho chúng tôi. Ông đời nào nói nếu chúng tôi chưa mua nhà, nhưng giờ ông tận tâm, cởi mở “Cả vạt đất đó thuộc một chủ. Khi còn sống, ông ấy từng sẻ vài miếng bán, tôi mua một miếng  xây nhà nghỉ mùa hè, giờ là nhà nghỉ bốn mùa của anh chị, phải không nào. Khi ông ấy qua đời, tôi nghe nói di chúc không rõ ràng, con cháu đưa nhau ra tòa. Xử đi xử lại, hòa giải mãi không xong. Mệt mỏi, tòa án ra phán quyết tôi cho là tuyệt đỉnh- Tạm dừng vụ xử tranh chấp này, một trăm năm sau mở lại. Thời gian chính xác tôi không rõ, có lẽ nhanh cũng năm chục năm nữa”.

Lịch sử mỗi quốc gia gắn liền những cuộc chiến tranh, lịch sử mỗi gia đình gắn liền những cuộc tranh chấp tài sản thừa kế! Về nhà, đêm khuya tôi ngồi trên giường nghe mưa giông, gió thúc đám cây hai bên nhà chuyển động như khua gươm múa giáo! “Chuyển nhà không anh?”, tôi buột miệng hỏi chồng. “Chuyển đi đâu? Ở đâu chẳng có hàng xóm. Ngủ thôi”. Rồi anh ngủ. Tôi cũng gắng thỏa hiệp với giấc ngủ, nhưng chập chờn hình ảnh đường hào công sự rộng năm mét sâu hoắm hiện ra sau lưng còn rừng cây đang rùng rùng trước mặt.

Rotselaar ngày 31- 10- 2012

Kiều Bích Hương

No comments:

Post a Comment