Wednesday, December 26, 2012

Muối và Tuyết


Đối với tôi, thị trấn nhưng nhức rừng cây Rotselaar này có nhiều thứ không cân bằng. Mùa xuân quá nhiều màu xanh. Mùa hè đầy ứ người đổ về cắm trại, dạo bộ, chơi nhạc. Mùa thu dư thừa lá. Còn mùa đông tràn qua những mái nhà vắng bóng thanh niên, chỉ thấy người già cùng các cặp vợ chồng trung niên xúc tuyết.

Mùa đông năm nay, bộ giao thông vận tải vùng Flanders của Bỉ phải dự trữ 42.000 tấn muối rải đường, chống tuyết đóng băng. Hẳn lượng muối dùng cho Rotselaar nhiều lắm, vì tuyết cứ ngập đến đầu gối. Cặp vợ chồng gần như trẻ nhất vùng là Tim và Laura rủ nhau dọn tuyết trắng trước nhà. Xẻng của Tim bóng loáng vung lên hăm hở, Laura bụng bầu theo sau, vừa xúc vừa thở ra khói, họ xúc luôn tuyết trước cửa nhà bà Martha. Tim gắn bó với thị trấn này bởi anh làm công việc chẳng cần xã hội định danh, tự anh gọi “nghề phẫu thuật cây”. Lo ngại thân cây to lớn nghiêng vào mái nhà, người ta gọi Tim. Tôi thường thấy Tim vỗ vỗ thân cây, trò chuyện với cây. Rồi thoắt cái, cành cây được cắt tỉa thật khéo. Thỉnh thoảng anh mới chặt cây, thu về những bó củi tươi rói, để khô hàng năm và không quên chia cho bà hàng xóm Martha một ít nhóm lò sưởi khi đông đến.

Nhìn những thanh củi khô cắt máy nuột nà nằm gọn trên vai Tim, bà Martha đùa vui “Già này thích ngắm bờ vai vác củi của cậu. Mùi củi lửa sẽ thơm lắm đây”. Vợ chồng Tim cũng nhờ bà lão một lần, đó là vào đầu thu, khi Laura mới mang thai “Cho chúng cháu gửi tạm con mèo, dạo này cô ấy dễ dị ứng”. Bà Martha mừng rỡ “Già thích nuôi mèo lắm, nhưng sợ già chết nó bơ vơ. Trông giúp thì được”.

Cách đó vài con phố, vợ chồng Benny hối hả nấu súp. Cả thị trấn chỉ nhà hàng này mở cửa cuối tuần. Vào đông, nồi súp nhanh cạn đáy. Benny khéo tay nấu súp, hôm nay súp rau thập cẩm, ngày mai súp cà chua, rồi súp bí ngô, súp nấm... Anh đỏ bừng mặt sung sướng ngắm những đứa trẻ nhà tôi thè lưỡi liếm đến giọt súp cuối cùng trong đĩa. Đông ngắn ngày, trời giá cóng, vợ chồng Benny muốn đóng cửa sớm, người già lại hay thèm súp về đêm. “Benny ơi, giá có bát súp nóng của cậu, giãn xương cốt phải biết”. Thế là Benny khởi động xe, không quên mang theo gói muối trắng.

“Mỗi bát súp lãi vài cent, tiền xăng chưa kể”, vợ anh nhìn theo, nhưng tôi biết chị chẳng trách chồng.

Xe của Benny đã đậu trước cửa nhà ông Herman. Cả rừng cây hoang vắng lá, nhưng tuyệt diệu thay những tán thông không đổi màu trong giá lạnh. Ông lão Herman đón Giáng sinh sớm bằng ba cây thông to xếp hàng trước vườn nhà khoác tấm áo đèn hoa rực rỡ, “khinh tái thông nhựa”, ông nháy mắt với Benny. Benny trao cho ông lão bình súp nóng rồi tạt qua nhà người Mỹ già cách đó mươi mét. Ông lão cũng đã kịp trang trí những vòng đèn màu rực rỡ quanh hai bánh xe bò dựng trước cửa “cả thời đồng quê Texas của lão đấy”. Ông Paul mân mê những hạt muối nhỏ đang chảy qua kẽ tay. “Cụ rắc muối trước cửa nhà hả?”. “Đất đã mặn rồi, xát muối nữa làm chi, Benny. Già này còn vận động được, sáng xúc tuyết, tối ngâm chân nước nóng bỏ chút muối và nhấm nháp món súp của cậu. Đời thật tuyệt!”

Một ngày trước lễ Giáng sinh, Benny nấu mẻ súp cuối cùng và đóng cửa một tuần mừng năm mới. Mẻ hạt dẻ nâu bóng mẩy căng ông Paul cho bữa trước vợ anh vừa rang chín. Ông Paul cũng hay vẫy bọn trẻ nhà tôi lại cho hạt dẻ. Tối nay, tôi biết, giờ giải trí truyền hình, vợ chồng Benny sẽ nhí nhách ăn hạt dẻ bùi thơm. Trước nhà bà Martha nhấp nhô xe hơi bóng loáng. Tim được gọi sang. Đàn con bà Martha chật nhà. Bà lão ngồi trên chiếc ghế gỗ sồi cạnh lò sưởi, nhẹ nhàng “Mời ngài luật sư chứng kiến. Tôi rất minh mẫn và vừa làm xong di chúc, có cả tên cậu hàng xóm trong đó. Tim! Cậu ấy đây. Khi tôi chết, đừng làm khó cậu ấy. Vậy thôi. Chúc Giáng sinh vui vẻ”. Đám con bà Martha nhìn đâm xoáy vào Tim, còn Tim khoanh hai tay trước ngực, lướt qua họ như cách anh nhìn những người đến Rotselaar cắm trại vào mùa hè rồi nhổ cọc đi vào mùa thu. Họ đã đi quá lâu và quá xa Rotselaar rồi.

-Cảm ơn bà ghi tên cháu trong di chúc- Anh tạm biệt bà Martha.

-Cảm ơn cậu về món quà Giáng sinh này nhé- Bà Martha vuốt ve con mèo đang gừ gừ xay lúa, trên đôi mắt kính của bà nhảy nhót những đốm lửa vui tươi.

Kiều Bích Hương

Tuesday, December 11, 2012

Về với Tết từ nghìn trùng!


 

Sau hai năm “nhịn” Tết, tôi đã thu xếp để được về Việt Nam đón năm mới “xịn”- Tết cổ truyền 2012. Không phải chỉ vì nhớ Tết, mà thiết thực hơn, cả năm chẳng có thời điểm nào để lòng người thảnh thơi, vui chơi hàng tuần, có khi cả tháng như mừng năm mới ở quê hương mình! Về chơi lúc này, muốn gặp ai cũng dễ, muốn chơi lâu cũng không ngại, và còn vì, như Phan Thị Vàng Anh từng viết trong truyện ngắn “Mười ngày”: trong những giờ cuối cùng này của năm cũ, người ta “người” nhất.

Đừng đi

Không hiểu sao suốt chuyến bay 12 tiếng đồng hồ từ Paris về Hà Nội hôm ấy, tôi cứ quyến luyến mãi nhóm diễn viên chèo. Một nhóm độ 5 cô, ai cũng tóc dài chẻ ngôi giữa, mỏng mày hay hạt, hàm răng trắng đều tăm tắp, làn môi cắn chỉ, giọng thanh mà vang. Lâu rồi không gặp vẻ đẹp chân chất ấy ở châu Âu hoa lệ. “Chúng em đi diễn phục vụ bà con Việt kiều về”, các cô khoe rồi thay nhau ẵm bế con cho tôi. Một cô còn lôi ra đôi giày da nhỏ xinh, mắt sáng long lanh “Tiền thù lao em dồn cả mua đôi giày về cho con gái. Đi châu Âu thích nhất là mua giày, đắt nhưng xịn, bền”. Ừ, tiền thù lao của mẹ sẽ sưởi ấm đôi chân con trong giá lạnh những ngày Tết này.

Về với Tết, biết bao gương mặt người Việt đáp cùng chuyến bay với tôi bừng lên thông điệp ấy, dù chẳng nói thành lời. Đời là thế, đi xa mới nhớ, mất rồi mới tiếc! Cô tiếp viên áo dài màu mận tím bê cho tôi khẩu phần thức ăn, lại kèm thêm suất cho cháu nhỏ, hai hộp sữa trộn bột ngũ cốc, gói bánh bích quy, một hũ sữa chua và một hộp đồ chơi xếp hình xinh xinh bằng gỗ “made in Vietnam”. Chỉ Tết mới có quà như thế này cho trẻ trên chuyến bay? Ừ, thời điểm sắp sang năm mới, lòng ai cũng hân hoan, những cử chỉ yêu thương quan tâm cũng nồng nàn chân thật hơn. Thật dễ để nhớ, thật khó mà quên.

 Bây giờ rất nhiều bạn bè than thở trên facebook về nỗi ngại Tết, nào phải xếp hàng mua giò chả, bánh chưng, rồi vất vả muối dưa muối hành, trời rét mưa dầm còn lướt thướt lên Nhật Tân khiêng đào và quất cảnh... Hồi còn ở trong nước, đọc những dòng status này của bè bạn, hẳn tôi hùa theo ngay. Nhưng giờ này tôi đang về với Tết từ hơn mười nghìn ki- lô- mét, trái tim tôi thổn thức khi nghe bạn liệt kê hàng trăm việc phải làm trước ba ngày Tết như thế. Tôi mong mình về, bạn đừng lên đường, bạn nhé. Kể ra ích kỷ thật, nhưng cảm xúc thật là vậy. Và tôi biết, bạn trút vào facebook thế thôi, chứ giờ này bạn chẳng đang hùng hục ngâm trám, xếp bưởi Diễn vào gầm giường và hóng trời đẹp để đi Tây Tựu mua cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng... cho mà xem!

Và đừng hết

Lên Hà Nội dễ đến gần 20 năm rồi, nhưng nhà tôi năm nào cũng giữ tục lệ đón Tết ở quê. Tết mà không gói bánh chưng, coi như mất nửa cái Tết. Chiều lòng tôi ở xa về, mẹ lại đi đong gạo nếp cái hoa vàng, mua đỗ mỡ, thịt thăn, nhờ chị Tí săn tìm lá dong dày đẹp để gói bánh. Ba chị em kẻ rửa nồi, người kê bếp, người gói bánh, nhiều việc mà vui. Vừa gói bánh tôi vừa kêu ca “Tết năm ngoái, thèm bánh chưng quá con phải mua ở cửa hàng của người Việt tại Brussels, bánh nhỏ xíu mà lại gạo, mặn nhân”. Mẹ tôi đặt phịch những thanh gộc tre xuống, tự hào “Bánh chưng đun bếp điện sao dền dẻo và để được lâu như bánh chưng luộc bằng củi gộc tre cháy đượm này. Nhìn xem, khúc củi nào cũng chắc như khúc giò”. Cô Bé hàng xóm biết tôi về, thèm rau cần, tờ mờ sáng bê sang cho mấy mớ rau vừa nhổ, rễ còn rỉ nước “Ngày Tết ăn nhiều món ngấy ngá, nấu rau cần này với khoai tây mới dỡ, ngon tỉnh người”. Ba tháng sau, chị cả gửi email bảo cô Bé mất rồi, người yếu, bệnh ủ lâu không được chữa trị chu đáo (tiền đâu mà chữa, cô từng bảo thế), đi nhanh lắm. Không về với Tết, hẳn không bao giờ gặp cô, lần cuối, như thế.

Bà mất, bố mất và ông nội cũng vừa mất đầu năm rồi, Tết năm nay chị cả đảm nhiệm khâu lau rửa đồ cúng, sắp xếp mâm ngũ quả, bày mứt và liên tục nhang khói bàn thờ cho người xưa cùng về vui Tết, người sống lòng cũng đỡ quạnh hiu. “Ông mất đúng dịp rét nàng Bân em ạ, mưa gió não nề, lạnh cắt da cắt thịt”, chị bồi hồi trước ảnh ông, rồi lại quay sang ảnh bố “Em còn nhớ không, 8 năm rồi, hồi em đi Nhật công tác, cái Tết đầu tiên em xa nhà, một chị ở cơ quan gọi điện cho bố báo rằng em được chia một két bia ăn Tết. Bố mừng rỡ đạp xe đến lấy. Nhưng họ tra sổ, bảo em vẫn là chế độ hợp đồng ngắn hạn, chưa có bia đợt này. Bố về tay không, vẫn cười tươi. Nhưng chị thì chỉ muốn đi mua ngay một két bia mang về cho bố, lúc đó”. Hai năm sau, bố mất một tháng trước Tết cổ truyền. Tết đầu tiên không bố ấy cũng là năm đầu tiên tôi được hưởng chế độ một két bia. Bia đắng tê lưỡi, xót lòng!

Hồi ba chị em tôi còn nhỏ, mới chiều Mùng Hai Tết đã ngán ngẩm khi nghe mẹ reo “hết Tết, nhẹ cả người”. Bà mất, ông mất, anh cả mất, hai cô ở xa, chú đích thân chạy sang, ra nghị quyết giải tán bữa cơm sum họp đại gia đình Mùng Hai Tết, “lích kích phiền phức, đi lại mệt mỏi, bây giờ ăn uống quan trọng gì nữa đâu, chị cả nhé”. Mẹ không còn vất vả với Tết như ngày xưa, nhưng bây giờ không thấy mẹ reo “hết Tết” nữa, đã Mùng Năm rồi, nhanh thật!

Kiều Bích Hương

Monday, December 10, 2012

Thư Brussels "Mùa tiệc cuối năm"


Cuối năm: quà tặng và hình phạt!

Xung quanh tôi tuyết đã rơi dày trên các mái nhà, khoác áo trắng lên rừng cây trơ trọi lá. Màn trang trí của tự nhiên chuẩn bị chào đón mùa tiệc tùng cuối năm ở châu Âu sao mà lãng mạn và dịu dàng đến thế. Nhưng đừng quá mê man, rồi bạn sẽ thấy, có cả quà tặng lẫn hình phạt song hành!

Các phương tiện thông tin đại chúng tại Bỉ loan tin, 250.000 mẫu thử nồng độ rượu đã được chuẩn bị cho mùa nghỉ cuối năm đang đến, tính từ 14- 12- 2012 cho đến 24- 1- 2013. Cảnh sát sẽ khoanh vùng những công ty chuyên tổ chức sự kiện và những địa điểm thường diễn ra tiệc tùng ban đêm! Thông tin này khiến tôi liên tưởng một tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, và nói vui với bạn bè: Giăng lưới bắt chim!

Thư và Frank- cặp vợ chồng kinh doanh cửa hàng thịt và là những người bạn quý của tôi ở Bỉ mùa cuối năm này hẳn bận rộn lắm. Biết bao nơi đặt tiệc phải phục vụ, rồi liên miên sự kiện tri ân khách hàng, cảm ơn đối tác. Tít mù tiệc tùng, có mệt đến mấy cũng phải cố. Giờ càng hiểu thêm nỗ lực phải sớm có bằng lái xe hơi của Thư! Cô than với tôi “Càng đi đêm càng sáng ra chân lý rằng, chồng mà làm kinh doanh, được bạn hàng chúc rượu thì vợ phải ngồi ngay sau tay lái! Lần nào tiệc đêm về cũng thấy cảnh sát, may họ bận kiểm soát xe khác nên mình thoát!”. Cũng chưa chắc, tôi nghĩ họ đã liếc thấy Thư ngồi lái, chứ trúng bữa đó chồng cô gật gù sau vô lăng thế nào chả bị ách lại yêu cầu thổi ống kiểm tra nồng độ rượu! Thư còn miêu tả hình ảnh sau bữa tiệc chiêu đãi khách hàng, các bà vợ đang mang thai bụng to vượt mặt vẫn phải cầm ngay chìa khóa xe còn các ông chồng ngoan ngoãn chui ra ghế sau, ngủ ngáy ngon lành.

Tết 2013 sẽ đến ngay sau Giáng sinh, nhưng trẻ em ở Bỉ đã gặp Sinterklass- một vị thánh cũng khoác áo đỏ và râu tóc trắng như bông chuyên mang quà tặng đến vào ngày 6- 12 hàng năm. Các bậc làm cha làm mẹ bận rộn biết bao nhiêu. Chồng tôi cũng vậy, anh muốn làm cho xong việc để chiều về sớm mua quà cho lũ trẻ (dĩ nhiên Sinterklass tặng rồi!) nên vừa lái xe vừa tranh thủ gặm bánh mì. Cảnh sát tuýt còi. Việc kiểm tra giấy tờ lòng vòng mất cả tiếng, thêm tội lái một tay, may mà viên cảnh sát thương tình “Lần này chỉ cảnh cáo, lần sau mức phạt 200 Euro!”. Suýt nữa các con không có quà của Sinterklass!

Chuyện quà tặng dịp này có ý nghĩa đến nỗi bà Ingrid Lieten- Bộ trưởng vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) còn chứng minh tài năng quản lý bẩm sinh của mình bằng phát biểu hài hước “Trong quá khứ, tôi luôn là một cô bé rất ngoan. Thư tôi viết cho Sinterklass nắn nót và đầu tư rất nhiều thời gian còn giày của tôi thì đặt sẵn trước lò sưởi cả tuần”.

Cuối năm, mùa đoạn tụ, nhưng vợ chồng tôi vừa chia tay vợ chồng Ludovic- đồng nghiệp người Ba Lan của chồng tôi sang Bỉ làm thuê một tháng. Ludovic muốn đưa cả nhà về Ba Lan sớm một ngày, Giáng sinh đến nơi rồi, bố mẹ anh chắc đã lên kế hoạch nấu món cua biển sốt kem truyền thống (chứ không phải gà tây đâu nhé!) cho bữa tiệc sum họp đại gia đình. Tôi rất muốn thân tình hơn với Ivana, vợ Ludovic, nhưng cô nói được quá ít tiếng Anh. Cuối tuần gặp nhau chỉ cười là chính. Một phụ nữ Ba Lan xinh đẹp, 21 tuổi lấy chồng và giờ 25 tuổi đã là mẹ của một cậu bé lên ba. Suốt một tháng theo chồng sang Bỉ, tôi không biết Ivana cùng con ngồi nhà làm gì. Cuối tuần này, mời vợ chồng Ludovic ăn cơm chia tay, Ivana chìa ra tặng tôi và các con tôi những đôi tất len rực rỡ sắc màu. “Bốn tuần qua, cô ấy đan được 6 đôi tất”- Ludovic tự hào khoe. Ivana học mẹ đan len từ khi 12 tuổi “Giờ em vừa trông con vừa đan mũ, tất, găng tay, áo len làm quà tặng mọi người dịp Giáng sinh”.  Tôi ôm Ivana và vỗ về lên lưng cô khi chia tay “Chị sẽ rất nhớ em đấy, Ivana ạ”. Chẳng trò chuyện nhiều nhưng tôi thấy cô sao vẫn gần gũi thế. Cảm giác như vừa tạm biệt một người em gái. Giáng sinh an lành nhé Ivana!

Kiều Bích Hương

Tuesday, December 4, 2012

Mùa bế giảng


Mùa bế giảng

 

Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm là Ngày của mẹ. Thày cô ở các lớp tiểu học tại Bỉ tíu tít cùng học trò chuẩn bị quà tặng cho mẹ. Vậy có riêng ngày nào cho thày cô giáo như ngày 20/11 ở Việt Nam không? Câu trả lời là không!

 

Ở nước ta, không chỉ riêng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 mà mùa bế giảng, Tết... cũng là dịp để “tri ân thày cô”. Vì không có một ngày riêng dành cho thày cô như thế nên cảm giác các bậc phụ huynh ở Bỉ nhàn nhã hơn phụ huynh ở Việt Nam nhiều. Nhưng mùa bế giảng hàng năm cũng là dịp để các phụ huynh ở Bỉ, nếu muốn, tỏ lòng với “những người mẹ hiền ở trường” của con mình.

Trẻ em bậc tiểu học ở Bỉ phải cắp sách đến trường cho đến hết tháng Sáu mới nghỉ hè, tuy nhiên thứ Bảy cuối cùng của tháng Năm cũng là ngày hội trường- School feest: các bé vừa xong kỳ thi tổng kết. Ngày hội trường cần sự góp sức của phụ huynh học sinh với những gợi ý tế nhị thông qua tờ rơi các bé mang về nhà: Nếu quý vị có thời gian, rất hoan nghênh từ 8- 10h tối ngày... có thể đến trường cùng chúng tôi chuẩn bị sân khấu, kê bàn ghế, sắp xếp khu tổ chức tiệc ngoài trời...

Trước ngày hội trường hai tuần, phía cổng sau của trường nơi bé Kathy 8 tuổi nhà tôi theo học, tôi thấy thày hiệu trưởng khệ nệ bê ra một chiếc bàn. Các bậc phụ huynh đến đón con đứng nhìn thày nâng niu từng chậu hoa xinh xắn rồi  bày lên bàn, tiếp đó đặt bảng giá từng chậu hoa phía trước rồi đứng chắp tay sau lưng cười cười... Ai cũng hiểu đích thân thày đang bán hoa để gây quỹ cho nhà trường. Bé Kathy bảo đó là hoa xuân do chính các thày cô ươm trồng trong vườn trường. Ngoài bán trực tiếp ở trường, bảng giá từng loại hoa kèm ảnh minh họa cũng được gửi về nhà cho các phụ huynh đăng ký mua nếu muốn. Đó là một trong hiếm hoi các hoạt động gây quỹ cho nhà trường suốt cả năm học.

Năm ngoái, một vị đại diện của Hội phụ huynh gặp tôi, ngỏ ý: gia đình bé Kathy có thể giúp chuẩn bị 3 hình trái tim trên bìa cứng màu đỏ, sau đó chính bé viết những lời cám ơn lên đó để gửi tặng thày cô? Đó là điều duy nhất chúng tôi phải làm cùng bé để gửi tặng thày cô, năm nay không thấy ai gợi ý làm việc này việc khác nữa, hỏi vị đại diện Hội phụ huynh, chị cười: “Năm ngoái gia đình mình làm rồi, năm nay đến lượt người khác”. Vậy là chỉ ung dung ngồi chờ thứ Bảy tuần này đến dự hội trường với chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng của tất cả các bé và tiệc buffet chiêu đãi phụ huynh gọn nhẹ ngoài trời (mua từng món ăn, đồ uống theo phiếu).

Tôi nhớ ngày xưa đi học, phải ai xinh xắn, có năng khiếu múa hát một chút mới được chọn vào đội biểu diễn nhân dịp các ngày lễ hội ở trường. Và lên sân khấu cũng chủ yếu các bé gái. Biểu diễn văn nghệ ở trường tiểu học của bé Kathy có chút khác biệt. Tất cả các em, từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 6 đều lên sân khấu biểu diễn (ngoại trừ lý do bất khả kháng). Tiết mục múa hát, diễn kịch, chơi nhạc... được thày cô luyện cho các em hàng ngày, chú trọng vào việc tất cả cùng góp mặt trên sân khấu để cha mẹ được chụp ảnh, quay phim và hồi hộp chờ đợi, hạnh phúc khi thấy con mình xuất hiện. Một số em không biểu diễn thì cũng được phục trang lạ mắt, đứng phát tờ chương trình hoặc làm hướng dẫn viên hãnh diện chỉ đường cho phụ huynh vào khu sân khấu, khu vệ sinh, khu trẻ em sẽ bước ra sau khi kết thúc màn trình diễn... Màn trình diễn của khối mẫu giáo bao giờ cũng được mọi người tán thưởng nhất, thày cô phải lên sân khấu múa hát cùng các bé, có bé lên sân khấu rồi đứng ngây ra nhìn, có bé loay hoay tìm đường xuống, có bé nhìn thấy bố mẹ thì hò hét inh ỏi... Tất cả tạo nên một bầu không khí sôi động, hạnh phúc chưa từng thấy.

Nghi lễ cám ơn thày cô chỉ diễn ra bên lề Ngày hội trường. Khi các màn trình diễn đã kết thúc, đại diện của Hội phụ huynh học sinh sẽ lên nói lời cảm ơn và trao quà tặng. Thày cô nào sinh nhật trùng dịp này sẽ được nhận thêm quà, chủ yếu là thiệp chúc mừng hoặc các món đồ mang tính lưu niệm do phụ huynh và học sinh tự làm.

Suốt một năm học với biết bao vất vả lo toan, nhưng liên lạc giữa phụ huynh và thày cô chủ yếu là những dòng chữ thân quen hoặc tờ giấy kẹp trong cuốn sổ liên lạc hàng ngày, hôm thì cô giáo nhắc nhở “Hôm nay bé Kathy bị một con bọ đốt khi đang chơi ở sân trường. Chúng tôi đã rửa và bôi kem cho bé. Mong  gia đình tiếp tục theo dõi vết đốt đề phòng biến chứng”, hôm khác thì “Một số em trong lớp có chấy, đề nghị các bậc phụ huynh kiểm tra kỹ đầu tóc cho các bé, vệ sinh sạch sẽ để tránh lây lan”... hoặc có khi bất ngờ với chiếc phong bì nhỏ bé Kathy đem về trên đó cô giáo nắn nót ghi “răng sữa”- cô giữ lại chiếc răng nhỏ xíu cho bé làm kỷ niệm khi bé rụng răng ở trường.

Dịp này, bé Kathy bận rộn với các tiết mục biểu diễn nên không nghĩ đến quà tặng thày cô. Nhưng trong suốt năm học, bé thỉnh thoảng lại vẽ tranh hoặc mang một bông hoa bằng vải đến trường để tặng cô. Bố bé khuyên: “Bông hoa đó cũ và bẩn rồi, để bố mua bông hoa mới tặng thì hơn”, bé không đồng ý: “Nhưng đó là bông hoa con thích nhất, con tin là cô cũng sẽ rất thích”. Một thời gian sau chúng tôi có dịp đến trường, thấy bông hoa đó được đặt trang trọng trong góc nghỉ ngơi giữa giờ giảng dạy của cô giáo.

Monday, December 3, 2012

Truyện ngắn "Về Jerusalem"


Chị lật đật dậy từ bốn giờ sáng. Hai đứa con còn say giấc. Chị rón rén ra phòng khách, bật máy vi tính. Hơn chục thư mới, nhưng không có cái nào của Bert. Lần cuối cùng chị kết nối với khách sạn rẻ tiền ở Brussels nơi anh thuê trọ, họ nói anh rời đi vài ngày rồi. Chị đứng lên, lấy khăn giấy lau đi lau lại chai cognac uống dở đã bám bụi rồi đặt lại tủ kính. Hôm anh đi, vợ chồng cụng với nhau một ly, mong chuyến hồi hương thuận buồm xuôi gió. Đã một tháng trôi qua. Bặt tin chồng.

Chị dằn lòng lại, đọc thư điện tử. Một thư của công ty kiểm toán quốc tế “Chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ xin việc của bạn, rất tiếc không phù hợp”. Thư của người bạn gái đang làm trợ lý Tổng giám đốc khách sạn 5 sao “Tao đã nộp CV của Bert cho sếp, lão chê. Đừng buồn nhé. Cơ bản là vị trí giám đốc Tiền sảnh họ muốn dành cho người Việt. Khó khăn kinh tế chung mày ạ, trước đây chỉ thích tuyển người nước ngoài cho oai, bây giờ chỉ muốn đuổi việc vì phải trả lương cao”. Hồi âm của người chị họ đang điều hành một resort ở Phan Thiết “Bọn chị cũng cần người như Bert, nhưng lương ba ngàn đô la mỗi tháng nặng quá. Chúc em và Bert may mắn”. Tiếp theo là thư của trường quốc tế nơi hai con chị theo học. Chắc lại nâng học phí.

Chị không thể đọc nữa, uể oải mở cửa sổ đón gió ngày mới của Hồ Tây thổi vào. Bà Hòa hôm qua ngọt ngào nhắc khéo tiền nợ thuê nhà mấy tháng. Khác hẳn ba năm trước, cũng bà quát ầm ầm qua điện thoại “Nể vợ chồng cô lắm tôi tiếp tục cho thuê chứ người ta mang bao tải tiền đến đòi mua đây này. Hét giá nào cũng chồng tiền. Nhà Hồ Tây vô giá cô ơi”. Nếu Bert cứ bặt tin thế này, chắc chị phải chuyển đi nơi khác. Tranh thủ hít thở không khí trong lành và ngắm nắng ban mai lấp lánh trên mặt hồ, biết đâu chẳng còn lâu nữa!

***

Bert buộc con chó trắng như cục bông vào cái giá sắt để dựng xe đạp ngoài cổng nghĩa trang rồi lặng lẽ tìm phần mộ hai người chị gái. Nghĩa trang mùa thu rực màu lá phong đỏ. Những con đường rải sỏi nhỏ lạo xạo như muốn đánh thức người nằm dưới mộ mỗi khi có ai qua lại thăm nom. Tám năm rồi anh không về Bỉ, lần trở lại này để tìm việc làm và cơ hội đưa vợ con về quê nội. Cả tháng nay anh gõ cửa biết bao công ty, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, hứa hẹn hơn: gắng chờ đợi. Số tiền vợ tích cóp cho anh về Bỉ đã tiêu cả vào khách sạn, ăn uống, đi lại. Anh đành tìm về thành phố Genk ở nhờ anh trai và ngày ngày dắt chó của chị dâu đi dạo. Không có hoa đặt lên mộ các chị, anh rút chiếc khăn mùi xoa ra lau sạch hai tấm bia. Ngồi trầm tư một lúc, Bert sực nhớ ra con chó, anh vội vã đứng dậy.

Chiếc xe Jaguar XJL bóng loáng của anh trai đậu trước sân, nhưng chiếc Phantom của chị dâu chưa về. Bert dắt con chó vào phòng riêng của nó với đầy đủ giường nệm xinh xinh và đồ chơi bằng bông thơm tho sạch sẽ. Anh vào bếp lấy ra hai lát bánh mì, nhét một miếng salami mỏng tang vào giữa. Anh trai của Bert cũng vào bếp, nhìn em từ đầu đến chân:

-Chú ở đâu về?

-Em ra nghĩa trang thăm hai chị. Hôm nay là ngày tảo mộ mà anh. Giá em có tiền, em sẽ bay sang Israel thắp nến cho bố mẹ.

Anh trai kéo ghế ngồi đối diện em.

-Tôi cũng định bàn với chú về căn nhà của bố mẹ ở Israel đây. Bán đi chia đôi nhé.

-Bố mẹ mới bị bọn cướp sát hại mà anh đã tính bán nhà- Miếng bánh khô nghẹn trong miệng Bert.

-Chú cũng định về Israel sống và chết ở đó hả. Nhìn lại mình đi, muốn về đó phải có hồ sơ tài chính cao ngất ngưởng mới trụ được. Đất Thánh cơ mà, bất ổn cũng chẳng ngăn cản được dòng người sùng đạo muốn về đó như bố mẹ đã quay về năm năm trước đâu.

Bert lặng im. Anh trai ném lên bàn một đống báo và hóa đơn.

-Đây, chú xem. Chú ở nhà tôi cả tháng nay, tiền phụ trội điện nước, điện thoại, xăng xe... cả nghìn Euro rồi. Chú lấy gì trả vợ chồng tôi? Vận động cái đầu Do Thái của chú một chút đi. Bán nhà ở Israel, chú sẽ có tiền về lại Việt Nam với vợ con, mua một cái nhà cắm rễ ở đó cho chắc. Hoặc lý tưởng hơn, theo tôi, chú cứ mua quách nhà ở đây làm lại cuộc đời, lấy vợ khác, sinh con khác, đỡ xa xôi tốn kém. Chú đọc báo hôm nay đi, nhà máy Ford ở thành phố Genk này vừa đóng cửa, hơn bốn nghìn người mất việc. Chú không tính sớm, chẳng mấy chốc châu Âu này cũng không còn việc gì để làm đâu.

***

Chị khệ nệ xách hai cái làn thức ăn đến gần cửa, hai đứa con tung tăng chạy trước bỗng reo lên “Bố về, bố về rồi mẹ ơi”.

Chị quẳng làn, chạy vào nhà. Anh nằm trên sofa, tư thế co quắp. Gương mặt nhợt nhạt, thân hình teo tóp, mùi vô gia cư phảng phất quanh đống quần áo nhàu nát. Chị ôm lấy anh, nghẹn ngào “Anh về là mừng rồi. Em vừa nhận thêm giờ đứng lớp. Một công ty tư vấn tài chính đã hẹn phỏng vấn. May quá, anh về kịp. Họ nói trước, nếu tuyển cũng chỉ trả lương cho anh như nhân viên Việt Nam, em đồng ý luôn rồi. Em bảo chồng tôi ở Việt Nam đã tám năm, ăn cả nộm rau muống trộn mắm tôm nên mức lương đó đủ duy trì cuộc sống. Họ có vẻ thích anh ạ”. Chị cứ ôm anh và nói liên hồi. Anh cũng gật đầu lia lịa. Chị mở cửa sổ đón nắng và gió Hồ Tây. Anh nhắm mắt lại, xua tay. Chị vội khép cửa sổ, đắp cho chồng chiếc chăn. Miệng anh tỏa ra mùi rượu. Chị nhìn lên tủ, chai cognac đã biến mất. Anh xoay lưng về phía chị, miệng lẩm bẩm “Cho anh về Jerusalem”.

Rotselaar ngày 3- 11- 2012

Kiều Bích Hương

Tản văn "Chợ tươi ngày thứ Sáu"


Bên này, con dâu Việt đi chợ mất cả ngày chứ không như mẹ đẻ ở Hà Nội, con mới ngủ dậy mẹ đã đảo chợ dăm lần. Khi mua miếng thịt. Lúc chỉ mang về mấy quả cà chua. “Sao mẹ không mua một lần cho xong?”, “Chợ ngay đầu ngõ, đi để tập thể dục”. Sáng thứ Sáu giữa mùa thu nước Bỉ, con dâu Việt nhìn trời mưa rỉ rả từ đêm trước, chán chẳng muốn đi. Nhớ lời hẹn mẹ chồng ở chợ, lại cặm cụi áo mưa, mũ nón lên đường. Đi bộ một chặng hai cây số, leo lên xe buýt nửa tiếng vào thành phố, và gõ giày thêm nửa cây, gương mặt mẹ chồng Tây hiện ra, vui mừng, tận tụy “Chào buổi sáng ướt át”. Mẹ có biết con định không đi nữa? Thương người già, ở đâu cũng chỉ lấy niềm mong gặp mặt làm nguồn sống tiếp! Phan Thị Vàng Anh từng viết “thiên chức của người phụ nữ là chờ đợi”. Đông hay Tây cũng vậy cả thôi.

Siêu thị là văn hóa tiêu dùng của người Âu đã lâu, nhưng trước đó họ cũng từng dạo chợ ngoài trời, nơi kẻ bán người mua trao tận tay nhau mớ rau, con cá. Chợ  nay còn, rất sôi động, mỗi ngày họp một phiên nhưng luân phiên từng thành phố. Thứ Sáu, cư dân ở thành phố Leuven và con dâu Việt- cư dân vùng lân cận mới được đi chợ tươi là thế!

Mẹ chồng Tây cao to đi trước, con dâu Việt lũn cũn theo sau. Mẹ chồng Tây thò tay vào túi lần tìm danh sách đã ghi sẵn, con dâu Việt lẩm nhẩm trong đầu những thứ cần mua. Mẹ chẳng bao giờ quên, con thỉnh thoảng “Ôi chết rồi, còn thiếu”.

Đây rồi ông hàng thịt áo bờ-lu-dông sáng bóng, tay cắt dồi trắng dồi đen nhịp nhàng. “Mẹ con bà lão lại mua hàng”, “Vâng, khỏe chứ ông? Con dâu tôi thèm dồi, nó bảo dồi bên này cũng làm từ lòng nhồi tiết như món lòng ở quê hương nó.” “Nó sành miệng đấy bà ạ, món dồi của nhà tôi có đắt hơn hàng khác một chút, nhưng ngon nhất vùng, làm hôm nào bán hết hôm ấy, không độn bột đâu bà ạ. Thế con dâu bà quê đâu? Việt Nam à, tôi chẳng biết nước ấy ở đâu, nhưng họ cũng làm món dồi thì phục quá. Tôi mà trẻ lại tôi sang Việt Nam ăn dồi và lấy vợ như con trai bà”. “Ông lão dẻo miệng lưỡi quá đi thôi”. Ba lạng thịt bò, nửa cân thịt lợn ba chỉ không muối, hai lườn gà, một khúc dồi trắng một khúc dồi đen, thêm nửa cân xương bò về nấu phở. Con dâu trả tiền xong, mẹ chồng gợi ý “Mua thêm vài lạng thịt bò băm American, ngon mà không béo, trẻ con rất thích”. “Sao lại gọi American ?” “Món đó người Mỹ nghĩ ra”. “Bà lão ơi, tôi cân thêm cho cháu nó nửa cân vừa xương vừa thịt nữa nhé, miễn phí. Tuần sau lại ghé hàng tôi”. “Quý hóa quá, cảm ơn ông”.

Tóc, tóc, tóc! Cúc cù cu cu! Ông lão bán trứng hàng bên đang mời gọi. Nhìn thấy cặp mẹ chồng Tây- con dâu Việt, ông nháy mắt, hai khuỷu tay đập vào nách phành phạch “Trứng tươi, trứng tươi đây”. Bà vợ má đỏ hây hây lườm yêu chồng, xoay thân hình tròn núng nính ra sau lấy vỉ, rồi thò bàn tay dày mũm mĩm chọn trứng, mẹ một chục, con một chục, tuần nào cũng thế, quen rồi. “Bà lão ơi, chục trứng gà cỡ lớn, giá 2 euro rưỡi, chỉ tính bà 2 euro”. Hai mẹ con lãi hẳn một Euro, quay ra thấy ông đánh giày nỉ non “Giày búp bê yêu quá cô ạ, nhưng lấm bẩn rồi, lại đây tôi đánh mới cho, không lấy tiền”. Cô ngại, ông đẹp lão quá, và cả người cũng sạch bóng lên như đôi giày vừa được kỳ cọ kỹ. Ông không đánh giày lấy tiền, chỉ bán các hộp xi. Nhưng nhà con dâu Việt ở trong rừng, biết bao công ông đánh bóng đôi giày, lát nữa cháu về lại bẩn. Mân mê nửa euro vừa tiết kiệm được, cô đi nhanh qua ông, và đi nhanh qua cả người phụ nữ trùm khăn kín đầu có đôi mắt sâu thăm thẳm, làn da nâu mịn màng đang chìa ống bơ xin bố thí. Đồng xu trong tay nóng lên như phải bỏng.

Thịt trứng có rồi giờ thì rau dưa.

Người đàn ông trung niên chạy ra giữa đường hò hét “Dâu tây đây, dâu tây ngon nhất nước Bỉ, mời bà con nếm thử, không ngon không lấy tiền”. Mẹ con tíu tít rẽ vào. Cả thiên đường rau quả tươi ngon, con dâu thò tay chọn cam, người bán hàng giật lại, cáu bẳn “Không chọn”. Con còn ngẩn ngơ chưa kịp phản ứng mẹ đã kéo vội con đi, lẩm bẩm “Quý bà khó tính. Thèm vào, con ạ”. Mẹ chồng cứ nắm tay con dâu thật chặt, kéo sang hàng rau quả khác. Bà ơi, cô ơi, mua gì, nửa cân đậu que, hai giỏ nấm tươi? Mua ba giỏ luôn đi, chỉ lấy tiền bằng hai, thêm hai cân lê nữa nhé, nhưng mua năm cân hai mẹ con chia nhau lợi hơn, chỉ trả tiền ba cân?! Hai mẹ con hoa mắt, chóng mặt. Bán mua rào rào, tiền reo xủng xoảng!

Chợ đã trưa, người cũng thưa. Mẹ con tay xách nách mang, hỉ hả. Được mươi phút thì mệt “ngồi đây nghỉ chút”, vừa nói mẹ chồng vừa đặt phịch cái túi nặng xuống một góc đường, chỗ có tượng đài. Con dâu từng gặp nhiều kiểu tượng đài, nhưng không có nơi nào tượng đài nằm sát dưới chân thế này. Một cô gái lõa thể trên mặt nước dậy sóng lăn tăn. Tóc cô xuôi dòng, nhưng nhìn như dựng ngược thành ngọn đuốc kỳ dị. Con dâu hỏi mẹ “Cô ấy nổi tiếng không, mẹ?”. Mẹ chồng trầm ngâm “Chỉ là cô gái bình thường. Chuyện xảy ra chắc hơn hai chục năm, cô ấy đi làm về khuya, bị ba người đàn ông hãm hiếp rồi quẳng xuống con kênh chảy qua thành phố, chỉ cách đây hơn hai cây số. Nhà cô ấy cũng  ở góc kia, nếu mẹ nhớ không nhầm”. Tội ác luôn ở quanh ta. Cô gái nằm đó, không quần không áo từ đông tới hè. Người ta không để hoa bên chân cô, nhưng thỉnh thoảng, ai đó lại đặt lên ngực cô chiếc áo lót mới còn nguyên nhãn mác.

Chuyến xe buýt lúc 12h30 đã chuyển bánh. Trễ rồi. Con dâu phải đợi thêm một tiếng nữa, mẹ chồng đợi cùng cho vui chứ cứ 15 phút lại có chuyến xe về nhà mẹ. Hai mẹ con rẽ vào quán cà phê bên đường tổng kiểm kê sau buổi chợ. Mẹ hào hứng “Con xem, toàn đồ tươi vì chỉ bán trong một ngày chứ không để lâu như siêu thị”. Rồi con cũng bỏ cả chỗ thịt thà cá mú này vào tủ đá, dùng cả tuần thôi mẹ ơi. Con dâu Việt nghĩ bụng chứ không dám nói, sợ mẹ chồng Tây mất vui. Mẹ còn đang mải tính, chỗ thịt rẻ được 3 euro so với siêu thị, chục trứng cũng dư nửa euro, đám rau cỏ tiết kiệm đến 5 euro... Mẹ chợt tần ngần “Con ơi, sao tiền của mẹ còn ít thế này?”. “Mẹ có đánh rơi đâu không?” “Không, mẹ nhớ rõ mang đi 100 euro, sao còn lại chỉ 10 euro. Con dâu cộng dồn hóa đơn lại, không quên tính cả tiền cà phê và sô cô la sữa nóng. “Mẹ trả tổng cộng 70 Euro”. Mẹ đập tay vào trán “Thôi đúng rồi, gã bán rau. Hắn trả thiếu tiền cho mẹ, mồm năm miệng mười làm mẹ loạn đầu, hoa mắt”. Mẹ xoay người nhìn ra ngoài đường, lắc đầu liên tục “Trước đây thấy người già người ta muốn giúp. Bây giờ thấy người già người ta muốn lợi dụng”. Sô cô la sữa lạnh ngắt trên môi. Trước mắt con dâu Việt, mẹ chồng Tây bỗng như xọp lại, chỉ còn bằng vừa in hình ảnh mẹ đẻ ở quê nhà. Mẹ ơi!

Rotselaar ngày 27- 10- 2012

Kiều Bích Hương

 

Truyện ngắn "Hàng xóm"


Truyện ngắn

 Hàng xóm

 

 

Bà tôi quanh năm gắn bó xứ “bờ xôi ruộng mật”, dặn rằng Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Càng ở lâu thôn quê, tôi càng tin khi một đứa con trai ra đời, gia đình đó như vừa sắm thêm được loại vũ khí mới. Nhà tôi ở quê, vuông vắn hơn ba sào đất, đủ ao, chuồng và vườn trước vườn sau. Nhưng vũ khí nhà tôi hầu như chẳng có gì, chỉ toàn sách vở và ba đứa con gái. “Cuộc chạy đua vũ trang” của hàng xóm vây bủa tứ phía.

Nhiều đêm, tôi thức giấc vì trước nhà có tiếng gào thét. Mẹ cố ngủ còn tôi nhổm mông chuồn nhẹ ra ngoài, băng qua khoảng sân rộng, đến gần cái bể cạn đầy cát. Vừa ngồi xuống tôi chạm ngay cái gì mềm mềm, ấm ấm. Cái mông của bà. Bà đang ngồi trong bóng đêm, lắng nghe cuộc cãi nhau tay ba mẹ chồng- nàng dâu- và vũ khí hạng nặng- người đàn ông trụ cột của nhà hàng xóm phía trước. Tôi nép bên bà cùng nghe. Tiếng khóc át lời, nhưng tiếng quát to và rõ nhất là của đứa cháu đích tôn trong nhà “Bà im đi, mẹ im đi, bố im đi. Đêm rồi cho hàng xóm ngủ chứ, không biết nhục!”. Im, thế mới tài! Vũ khí tối tân có khác.

Vũ khí tối tân ấy không can thiệp cuộc cãi vã giữa bà cậu ta và bà tôi khi nhà cậu quyết định cắt bụi mây để xây lên bức tường gạch ngăn cách. Bà tôi chống gậy ra bờ rào, lời qua tiếng lại. Tôi sợ. Nhà mình có vũ khí nào đọ sức, ông đã mất còn bố công tác xa. Nhưng bà tôi chẳng bao giờ đôi co lâu, bà gẩy gẩy cái gậy vào đám lá mây vừa bị cắt nát, thủng thẳng “Chị Sáng ạ, chẳng qua cũng là chỗ chó ỉa thôi, có chết tôi với chị cũng chẳng ra đây nằm được”. Bà hàng xóm im, bức tường mới lấn sang nhà tôi ít đi một chút. Nhưng từ đó cửa sổ nhà ấy thường tuồn sang vườn nhà tôi hàng đống kim tiêm, lọ nước cất, lá bánh, vỏ kẹo. Bà chỉ cười, không cho chúng tôi bước vào, cũng chẳng muốn mẹ tôi hót dọn. Chẳng mấy chốc, đống rác thải ùn đến bệ cửa sổ, mùi hôi xộc vào chính nhà họ.

***

Bà mất, bố mất. Chị em chúng tôi rời quê lên thành phố. Mẹ về hưu, cũng lên thành phố. Nhưng mẹ cứ loanh quanh nhớ vườn. Một ngày, tôi còn ngủ nướng vì được nghỉ phép, mẹ lật chăn, ra lệnh “Chở mẹ về quê”. Trước đó mẹ nhận tin báo của người cháu họ trông giúp nhà ở quê “Hàng xóm phía sau xây nhà, thím về  ngay kẻo chúng  lấn đất”. Người ta lại xây tường ngay trên bờ dậu cũ, nước thải chuồng lợn chảy sang nhà tôi. Đám lá lốt xương sông xanh đen theo dòng chảy, muỗi mòng chấp chới cùng mùi hôi thối. Khoảng vườn sau u ám hoang dại. “Cháu ơi, mình ở quê sướng nhất là có vườn có dậu, cháu phá dậu xây tường nhà chòi sang cả đất nhà cô, thất sách quá. Sao không đào cái hầm ủ phân, vừa tưới rau bón lúa vừa đỡ ô nhiễm”. Anh hàng xóm tuổi ngoài ba mươi ngó sang, nụ cười đen nhẻm “Vườn bà rộng quá, cho cháu vẩy nhờ cái mái một tí. Nhà cháu đông anh em trai, đất chia tư, không còn chỗ làm chuồng ủ phân đâu ạ. Mà ủ cũng chẳng để làm gì, bán hết ruộng  đổi đời công nhân cả rồi. Hai thằng con cháu lớn lên cũng cho đi xuất khẩu lao động Nam Phi”.

Bảo mãi không được, tôi sốt ruột “Biết đâu chú có cách”. Chú tôi- đại tá về hưu ở cách đó mươi nhà. Chú vào, hai tay chống nạnh đi lại như một vị tướng dò trận địa. Nửa tiếng sau, chú oang oang gọi hàng xóm “Anh giải quyết đống phân lợn này ngay cho tôi. Chị dâu cả không ở đây thường xuyên, nhưng bàn thờ tổ tiên nhà tôi vẫn đây, hương khói là các cụ về. Ô uế thế này không được. Anh không làm hôm nay, mai tôi cho người đến đào đường hào công sự sát tường nhà anh, đào thật sâu, vừa làm hầm ủ phân cho nhà anh vừa xói thẳng móng tường nhà anh. Đất vườn nhà, tôi muốn làm gì thì làm”. Hôm sau nước thải không chảy sang nhà tôi nữa.

***

Cũng đến ngày tôi lấy chồng,  không ở Hà Nội, chẳng về quê. Tôi theo chồng sang Hà Lan. Nửa năm đầu vợ chồng thuê tạm căn nhà ở trung tâm thành phố. Cảnh sát thỉnh thoảng gõ cửa vì bà lão hàng xóm kêu ca chồng tôi sửa chữa máy móc, hàn xì gây ồn cả những ngày cuối tuần. Ngân hàng đồng ý cho vay tiền mua nhà, vợ chồng tâm đầu ý hợp, dứt khoát phải tìm cái nhà cách xa hàng xóm, không hàng xóm càng hay.

Thiên đường hiện ra sau bao ngày tìm kiếm. Một ngôi nhà be bé lưng chừng đồi trong khu công viên cây xanh lác đác vài gia đình sinh sống. Mùa xuân rực màu xanh non, mùa hè nắng lấp lánh tán lá, mùa thu bừng sắc đỏ vàng, mùa đông nhấp nhô sóng tuyết. Tuyệt hơn thế, hai khoảnh đất bên phải và bên trái nhà rộng hàng nghìn mét vuông chạy vút lên đỉnh đồi có đánh số, toàn cây xanh. Thỉnh thoảng lũ sóc phi qua phi lại ngó hạt dẻ, cả năm tuyệt không bóng người thăm nom.

Tôi mang thai, nhà trở nên chật chội. Phải cơi nới phòng nữa. Dự án vạch ra, bếp cũ cải tạo thành phòng ngủ, bếp mới sẽ xây áp hông nhà. Vợ chồng lên ủy ban xin phép. Nhân viên địa chính chém tay vào tập hồ sơ “Không xây thêm. Nguyên tắc nhà ở của anh chị phải cách đất hàng xóm năm mét để đảm bảo an toàn. Nên nhớ đây là khu công viên cây xanh”.

Lạ thật, giờ tôi và chồng lại khát khao tìm hiểu hàng xóm là ai. Liệu họ có bán thêm cho chúng tôi một miếng đất nhỏ đủ xây cái bếp mà khoảng cách đến hàng rào vẫn bảo đảm năm mét? Không ai trả lời được, ngoại trừ chính người bán nhà cho chúng tôi. Ông đời nào nói nếu chúng tôi chưa mua nhà, nhưng giờ ông tận tâm, cởi mở “Cả vạt đất đó thuộc một chủ. Khi còn sống, ông ấy từng sẻ vài miếng bán, tôi mua một miếng  xây nhà nghỉ mùa hè, giờ là nhà nghỉ bốn mùa của anh chị, phải không nào. Khi ông ấy qua đời, tôi nghe nói di chúc không rõ ràng, con cháu đưa nhau ra tòa. Xử đi xử lại, hòa giải mãi không xong. Mệt mỏi, tòa án ra phán quyết tôi cho là tuyệt đỉnh- Tạm dừng vụ xử tranh chấp này, một trăm năm sau mở lại. Thời gian chính xác tôi không rõ, có lẽ nhanh cũng năm chục năm nữa”.

Lịch sử mỗi quốc gia gắn liền những cuộc chiến tranh, lịch sử mỗi gia đình gắn liền những cuộc tranh chấp tài sản thừa kế! Về nhà, đêm khuya tôi ngồi trên giường nghe mưa giông, gió thúc đám cây hai bên nhà chuyển động như khua gươm múa giáo! “Chuyển nhà không anh?”, tôi buột miệng hỏi chồng. “Chuyển đi đâu? Ở đâu chẳng có hàng xóm. Ngủ thôi”. Rồi anh ngủ. Tôi cũng gắng thỏa hiệp với giấc ngủ, nhưng chập chờn hình ảnh đường hào công sự rộng năm mét sâu hoắm hiện ra sau lưng còn rừng cây đang rùng rùng trước mặt.

Rotselaar ngày 31- 10- 2012

Kiều Bích Hương