Tuesday, December 4, 2012

Mùa bế giảng


Mùa bế giảng

 

Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm là Ngày của mẹ. Thày cô ở các lớp tiểu học tại Bỉ tíu tít cùng học trò chuẩn bị quà tặng cho mẹ. Vậy có riêng ngày nào cho thày cô giáo như ngày 20/11 ở Việt Nam không? Câu trả lời là không!

 

Ở nước ta, không chỉ riêng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 mà mùa bế giảng, Tết... cũng là dịp để “tri ân thày cô”. Vì không có một ngày riêng dành cho thày cô như thế nên cảm giác các bậc phụ huynh ở Bỉ nhàn nhã hơn phụ huynh ở Việt Nam nhiều. Nhưng mùa bế giảng hàng năm cũng là dịp để các phụ huynh ở Bỉ, nếu muốn, tỏ lòng với “những người mẹ hiền ở trường” của con mình.

Trẻ em bậc tiểu học ở Bỉ phải cắp sách đến trường cho đến hết tháng Sáu mới nghỉ hè, tuy nhiên thứ Bảy cuối cùng của tháng Năm cũng là ngày hội trường- School feest: các bé vừa xong kỳ thi tổng kết. Ngày hội trường cần sự góp sức của phụ huynh học sinh với những gợi ý tế nhị thông qua tờ rơi các bé mang về nhà: Nếu quý vị có thời gian, rất hoan nghênh từ 8- 10h tối ngày... có thể đến trường cùng chúng tôi chuẩn bị sân khấu, kê bàn ghế, sắp xếp khu tổ chức tiệc ngoài trời...

Trước ngày hội trường hai tuần, phía cổng sau của trường nơi bé Kathy 8 tuổi nhà tôi theo học, tôi thấy thày hiệu trưởng khệ nệ bê ra một chiếc bàn. Các bậc phụ huynh đến đón con đứng nhìn thày nâng niu từng chậu hoa xinh xắn rồi  bày lên bàn, tiếp đó đặt bảng giá từng chậu hoa phía trước rồi đứng chắp tay sau lưng cười cười... Ai cũng hiểu đích thân thày đang bán hoa để gây quỹ cho nhà trường. Bé Kathy bảo đó là hoa xuân do chính các thày cô ươm trồng trong vườn trường. Ngoài bán trực tiếp ở trường, bảng giá từng loại hoa kèm ảnh minh họa cũng được gửi về nhà cho các phụ huynh đăng ký mua nếu muốn. Đó là một trong hiếm hoi các hoạt động gây quỹ cho nhà trường suốt cả năm học.

Năm ngoái, một vị đại diện của Hội phụ huynh gặp tôi, ngỏ ý: gia đình bé Kathy có thể giúp chuẩn bị 3 hình trái tim trên bìa cứng màu đỏ, sau đó chính bé viết những lời cám ơn lên đó để gửi tặng thày cô? Đó là điều duy nhất chúng tôi phải làm cùng bé để gửi tặng thày cô, năm nay không thấy ai gợi ý làm việc này việc khác nữa, hỏi vị đại diện Hội phụ huynh, chị cười: “Năm ngoái gia đình mình làm rồi, năm nay đến lượt người khác”. Vậy là chỉ ung dung ngồi chờ thứ Bảy tuần này đến dự hội trường với chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng của tất cả các bé và tiệc buffet chiêu đãi phụ huynh gọn nhẹ ngoài trời (mua từng món ăn, đồ uống theo phiếu).

Tôi nhớ ngày xưa đi học, phải ai xinh xắn, có năng khiếu múa hát một chút mới được chọn vào đội biểu diễn nhân dịp các ngày lễ hội ở trường. Và lên sân khấu cũng chủ yếu các bé gái. Biểu diễn văn nghệ ở trường tiểu học của bé Kathy có chút khác biệt. Tất cả các em, từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 6 đều lên sân khấu biểu diễn (ngoại trừ lý do bất khả kháng). Tiết mục múa hát, diễn kịch, chơi nhạc... được thày cô luyện cho các em hàng ngày, chú trọng vào việc tất cả cùng góp mặt trên sân khấu để cha mẹ được chụp ảnh, quay phim và hồi hộp chờ đợi, hạnh phúc khi thấy con mình xuất hiện. Một số em không biểu diễn thì cũng được phục trang lạ mắt, đứng phát tờ chương trình hoặc làm hướng dẫn viên hãnh diện chỉ đường cho phụ huynh vào khu sân khấu, khu vệ sinh, khu trẻ em sẽ bước ra sau khi kết thúc màn trình diễn... Màn trình diễn của khối mẫu giáo bao giờ cũng được mọi người tán thưởng nhất, thày cô phải lên sân khấu múa hát cùng các bé, có bé lên sân khấu rồi đứng ngây ra nhìn, có bé loay hoay tìm đường xuống, có bé nhìn thấy bố mẹ thì hò hét inh ỏi... Tất cả tạo nên một bầu không khí sôi động, hạnh phúc chưa từng thấy.

Nghi lễ cám ơn thày cô chỉ diễn ra bên lề Ngày hội trường. Khi các màn trình diễn đã kết thúc, đại diện của Hội phụ huynh học sinh sẽ lên nói lời cảm ơn và trao quà tặng. Thày cô nào sinh nhật trùng dịp này sẽ được nhận thêm quà, chủ yếu là thiệp chúc mừng hoặc các món đồ mang tính lưu niệm do phụ huynh và học sinh tự làm.

Suốt một năm học với biết bao vất vả lo toan, nhưng liên lạc giữa phụ huynh và thày cô chủ yếu là những dòng chữ thân quen hoặc tờ giấy kẹp trong cuốn sổ liên lạc hàng ngày, hôm thì cô giáo nhắc nhở “Hôm nay bé Kathy bị một con bọ đốt khi đang chơi ở sân trường. Chúng tôi đã rửa và bôi kem cho bé. Mong  gia đình tiếp tục theo dõi vết đốt đề phòng biến chứng”, hôm khác thì “Một số em trong lớp có chấy, đề nghị các bậc phụ huynh kiểm tra kỹ đầu tóc cho các bé, vệ sinh sạch sẽ để tránh lây lan”... hoặc có khi bất ngờ với chiếc phong bì nhỏ bé Kathy đem về trên đó cô giáo nắn nót ghi “răng sữa”- cô giữ lại chiếc răng nhỏ xíu cho bé làm kỷ niệm khi bé rụng răng ở trường.

Dịp này, bé Kathy bận rộn với các tiết mục biểu diễn nên không nghĩ đến quà tặng thày cô. Nhưng trong suốt năm học, bé thỉnh thoảng lại vẽ tranh hoặc mang một bông hoa bằng vải đến trường để tặng cô. Bố bé khuyên: “Bông hoa đó cũ và bẩn rồi, để bố mua bông hoa mới tặng thì hơn”, bé không đồng ý: “Nhưng đó là bông hoa con thích nhất, con tin là cô cũng sẽ rất thích”. Một thời gian sau chúng tôi có dịp đến trường, thấy bông hoa đó được đặt trang trọng trong góc nghỉ ngơi giữa giờ giảng dạy của cô giáo.

No comments:

Post a Comment