Monday, December 3, 2012

Tản văn "Chợ tươi ngày thứ Sáu"


Bên này, con dâu Việt đi chợ mất cả ngày chứ không như mẹ đẻ ở Hà Nội, con mới ngủ dậy mẹ đã đảo chợ dăm lần. Khi mua miếng thịt. Lúc chỉ mang về mấy quả cà chua. “Sao mẹ không mua một lần cho xong?”, “Chợ ngay đầu ngõ, đi để tập thể dục”. Sáng thứ Sáu giữa mùa thu nước Bỉ, con dâu Việt nhìn trời mưa rỉ rả từ đêm trước, chán chẳng muốn đi. Nhớ lời hẹn mẹ chồng ở chợ, lại cặm cụi áo mưa, mũ nón lên đường. Đi bộ một chặng hai cây số, leo lên xe buýt nửa tiếng vào thành phố, và gõ giày thêm nửa cây, gương mặt mẹ chồng Tây hiện ra, vui mừng, tận tụy “Chào buổi sáng ướt át”. Mẹ có biết con định không đi nữa? Thương người già, ở đâu cũng chỉ lấy niềm mong gặp mặt làm nguồn sống tiếp! Phan Thị Vàng Anh từng viết “thiên chức của người phụ nữ là chờ đợi”. Đông hay Tây cũng vậy cả thôi.

Siêu thị là văn hóa tiêu dùng của người Âu đã lâu, nhưng trước đó họ cũng từng dạo chợ ngoài trời, nơi kẻ bán người mua trao tận tay nhau mớ rau, con cá. Chợ  nay còn, rất sôi động, mỗi ngày họp một phiên nhưng luân phiên từng thành phố. Thứ Sáu, cư dân ở thành phố Leuven và con dâu Việt- cư dân vùng lân cận mới được đi chợ tươi là thế!

Mẹ chồng Tây cao to đi trước, con dâu Việt lũn cũn theo sau. Mẹ chồng Tây thò tay vào túi lần tìm danh sách đã ghi sẵn, con dâu Việt lẩm nhẩm trong đầu những thứ cần mua. Mẹ chẳng bao giờ quên, con thỉnh thoảng “Ôi chết rồi, còn thiếu”.

Đây rồi ông hàng thịt áo bờ-lu-dông sáng bóng, tay cắt dồi trắng dồi đen nhịp nhàng. “Mẹ con bà lão lại mua hàng”, “Vâng, khỏe chứ ông? Con dâu tôi thèm dồi, nó bảo dồi bên này cũng làm từ lòng nhồi tiết như món lòng ở quê hương nó.” “Nó sành miệng đấy bà ạ, món dồi của nhà tôi có đắt hơn hàng khác một chút, nhưng ngon nhất vùng, làm hôm nào bán hết hôm ấy, không độn bột đâu bà ạ. Thế con dâu bà quê đâu? Việt Nam à, tôi chẳng biết nước ấy ở đâu, nhưng họ cũng làm món dồi thì phục quá. Tôi mà trẻ lại tôi sang Việt Nam ăn dồi và lấy vợ như con trai bà”. “Ông lão dẻo miệng lưỡi quá đi thôi”. Ba lạng thịt bò, nửa cân thịt lợn ba chỉ không muối, hai lườn gà, một khúc dồi trắng một khúc dồi đen, thêm nửa cân xương bò về nấu phở. Con dâu trả tiền xong, mẹ chồng gợi ý “Mua thêm vài lạng thịt bò băm American, ngon mà không béo, trẻ con rất thích”. “Sao lại gọi American ?” “Món đó người Mỹ nghĩ ra”. “Bà lão ơi, tôi cân thêm cho cháu nó nửa cân vừa xương vừa thịt nữa nhé, miễn phí. Tuần sau lại ghé hàng tôi”. “Quý hóa quá, cảm ơn ông”.

Tóc, tóc, tóc! Cúc cù cu cu! Ông lão bán trứng hàng bên đang mời gọi. Nhìn thấy cặp mẹ chồng Tây- con dâu Việt, ông nháy mắt, hai khuỷu tay đập vào nách phành phạch “Trứng tươi, trứng tươi đây”. Bà vợ má đỏ hây hây lườm yêu chồng, xoay thân hình tròn núng nính ra sau lấy vỉ, rồi thò bàn tay dày mũm mĩm chọn trứng, mẹ một chục, con một chục, tuần nào cũng thế, quen rồi. “Bà lão ơi, chục trứng gà cỡ lớn, giá 2 euro rưỡi, chỉ tính bà 2 euro”. Hai mẹ con lãi hẳn một Euro, quay ra thấy ông đánh giày nỉ non “Giày búp bê yêu quá cô ạ, nhưng lấm bẩn rồi, lại đây tôi đánh mới cho, không lấy tiền”. Cô ngại, ông đẹp lão quá, và cả người cũng sạch bóng lên như đôi giày vừa được kỳ cọ kỹ. Ông không đánh giày lấy tiền, chỉ bán các hộp xi. Nhưng nhà con dâu Việt ở trong rừng, biết bao công ông đánh bóng đôi giày, lát nữa cháu về lại bẩn. Mân mê nửa euro vừa tiết kiệm được, cô đi nhanh qua ông, và đi nhanh qua cả người phụ nữ trùm khăn kín đầu có đôi mắt sâu thăm thẳm, làn da nâu mịn màng đang chìa ống bơ xin bố thí. Đồng xu trong tay nóng lên như phải bỏng.

Thịt trứng có rồi giờ thì rau dưa.

Người đàn ông trung niên chạy ra giữa đường hò hét “Dâu tây đây, dâu tây ngon nhất nước Bỉ, mời bà con nếm thử, không ngon không lấy tiền”. Mẹ con tíu tít rẽ vào. Cả thiên đường rau quả tươi ngon, con dâu thò tay chọn cam, người bán hàng giật lại, cáu bẳn “Không chọn”. Con còn ngẩn ngơ chưa kịp phản ứng mẹ đã kéo vội con đi, lẩm bẩm “Quý bà khó tính. Thèm vào, con ạ”. Mẹ chồng cứ nắm tay con dâu thật chặt, kéo sang hàng rau quả khác. Bà ơi, cô ơi, mua gì, nửa cân đậu que, hai giỏ nấm tươi? Mua ba giỏ luôn đi, chỉ lấy tiền bằng hai, thêm hai cân lê nữa nhé, nhưng mua năm cân hai mẹ con chia nhau lợi hơn, chỉ trả tiền ba cân?! Hai mẹ con hoa mắt, chóng mặt. Bán mua rào rào, tiền reo xủng xoảng!

Chợ đã trưa, người cũng thưa. Mẹ con tay xách nách mang, hỉ hả. Được mươi phút thì mệt “ngồi đây nghỉ chút”, vừa nói mẹ chồng vừa đặt phịch cái túi nặng xuống một góc đường, chỗ có tượng đài. Con dâu từng gặp nhiều kiểu tượng đài, nhưng không có nơi nào tượng đài nằm sát dưới chân thế này. Một cô gái lõa thể trên mặt nước dậy sóng lăn tăn. Tóc cô xuôi dòng, nhưng nhìn như dựng ngược thành ngọn đuốc kỳ dị. Con dâu hỏi mẹ “Cô ấy nổi tiếng không, mẹ?”. Mẹ chồng trầm ngâm “Chỉ là cô gái bình thường. Chuyện xảy ra chắc hơn hai chục năm, cô ấy đi làm về khuya, bị ba người đàn ông hãm hiếp rồi quẳng xuống con kênh chảy qua thành phố, chỉ cách đây hơn hai cây số. Nhà cô ấy cũng  ở góc kia, nếu mẹ nhớ không nhầm”. Tội ác luôn ở quanh ta. Cô gái nằm đó, không quần không áo từ đông tới hè. Người ta không để hoa bên chân cô, nhưng thỉnh thoảng, ai đó lại đặt lên ngực cô chiếc áo lót mới còn nguyên nhãn mác.

Chuyến xe buýt lúc 12h30 đã chuyển bánh. Trễ rồi. Con dâu phải đợi thêm một tiếng nữa, mẹ chồng đợi cùng cho vui chứ cứ 15 phút lại có chuyến xe về nhà mẹ. Hai mẹ con rẽ vào quán cà phê bên đường tổng kiểm kê sau buổi chợ. Mẹ hào hứng “Con xem, toàn đồ tươi vì chỉ bán trong một ngày chứ không để lâu như siêu thị”. Rồi con cũng bỏ cả chỗ thịt thà cá mú này vào tủ đá, dùng cả tuần thôi mẹ ơi. Con dâu Việt nghĩ bụng chứ không dám nói, sợ mẹ chồng Tây mất vui. Mẹ còn đang mải tính, chỗ thịt rẻ được 3 euro so với siêu thị, chục trứng cũng dư nửa euro, đám rau cỏ tiết kiệm đến 5 euro... Mẹ chợt tần ngần “Con ơi, sao tiền của mẹ còn ít thế này?”. “Mẹ có đánh rơi đâu không?” “Không, mẹ nhớ rõ mang đi 100 euro, sao còn lại chỉ 10 euro. Con dâu cộng dồn hóa đơn lại, không quên tính cả tiền cà phê và sô cô la sữa nóng. “Mẹ trả tổng cộng 70 Euro”. Mẹ đập tay vào trán “Thôi đúng rồi, gã bán rau. Hắn trả thiếu tiền cho mẹ, mồm năm miệng mười làm mẹ loạn đầu, hoa mắt”. Mẹ xoay người nhìn ra ngoài đường, lắc đầu liên tục “Trước đây thấy người già người ta muốn giúp. Bây giờ thấy người già người ta muốn lợi dụng”. Sô cô la sữa lạnh ngắt trên môi. Trước mắt con dâu Việt, mẹ chồng Tây bỗng như xọp lại, chỉ còn bằng vừa in hình ảnh mẹ đẻ ở quê nhà. Mẹ ơi!

Rotselaar ngày 27- 10- 2012

Kiều Bích Hương

 

2 comments: